Jun Phạm: Chõ đồ xôi, một nắm lá rừng, một con trâu ngoan... với người vùng cao đó là cuộc sống
Giữa những tập phim mang màu sắc giải trí nhưng đầy chất liệu đời sống, hành trình của Gia đình Haha tại Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) đã chạm đến trái tim khán giả thật nhẹ nhàng và sâu sắc.
Trước khi rời nơi này để tiếp tục chặng hành trình tại đảo Lý Sơn, Jun Phạm đã viết đôi dòng, không phải kể lại, mà để giữ lại những mảnh ghép ký ức tưởng chừng nhỏ bé nhưng không gì có thể thay thế.
Từ con tôm đến cái chõ đồ xôi và một thế giới rộng lớn mà ta chưa từng hiểu hết
Câu chuyện bắt đầu từ một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường trong cuộc sống: một con tôm. Khi anh Hà - người chủ nhà chân chất - nhìn con tôm với ánh mắt đầy ngạc nhiên, Jun đã chững lại: 'Mình từng nghĩ, có lẽ cuộc sống nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Nhưng sau vài ngày, tôi nhận ra: những gì ta tưởng là thiệt thòi, đôi khi lại chính là sự đủ đầy'.
Đủ đầy ở đây không phải là vật chất, mà là nếp sống bình dị, là cách mọi người dành cho nhau những điều tử tế nhất, là ánh mắt dịu dàng của chị Thông khi gắp thức ăn vào bát cho khách, là nụ cười của anh Hà dù trời vừa mưa suốt đêm nhưng buổi sáng vẫn phải ra đồng làm việc. Là cái cách mà một gia đình vùng cao đối đãi với khách lạ như chính người thân trong nhà - và người thành phố bỗng thấy bản thân chợt bé nhỏ trước sự bao dung và thấu hiểu ấy.
'Gia đình anh chị có thể lần đầu thấy con tôm, lần đầu học CapCut, lần đầu ăn món mì Ý 'Ita-Liền' - nhưng chúng ta lại có hàng trăm điều chẳng biết là gì... Xã hội hiện đại, công nghệ phát triển khiến chúng ta dường như trở nên hấp dẫn trong mắt người dân vùng cao. Nhưng thật ra, chính chúng ta mới là những người thiếu thốn nhiều nhất. Có lẽ vì vậy mà cuộc sống anh Hà và chị Thông lại trở nên hấp dẫn trong mắt chúng ta đến thế', Jun Phạm tâm sự.
Một cái chõ đồ xôi, một nắm lá rừng, một con trâu ngoan… có thể với nhiều người thành phố chỉ là những hình ảnh thoáng qua trong sách vở hay trên phim ảnh. Nhưng với người dân vùng cao, đó chính là cuộc sống. Mỗi vật dụng, mỗi thói quen, mỗi phong tục đều được hình thành qua hàng trăm năm tích lũy - như mạch nước ngầm thấm sâu trong đất, không ồn ào nhưng kiên trì nuôi dưỡng cả một cộng đồng.



Ở Bản Liền, ta học lại từ đầu. Không chỉ học cách bắc nồi đồ xôi, canh củi sao cho lửa cháy đều, hay chọn lá nào để nấu canh, lá nào để cuốn... mà là học cách quan sát - bằng tất cả sự tôn trọng. Học cách lắng nghe - không phải để trả lời, mà để hiểu. Và quan trọng nhất, học cách thừa nhận rằng: mình đã từng nghĩ rằng mình biết, nhưng thật ra, mình chưa biết gì cả.

Không phải khoảnh khắc nào cũng cần được ghi hình, đôi lúc chỉ cần ghi nhớ bằng trái tim
Jun viết: 'Ngôn ngữ - dù là tiếng Anh, tiếng Hàn hay tiếng Hoa - rốt cuộc cũng chỉ là công cụ để hiểu nhau. Nhưng khi đến một nơi mà người ta nói bằng ngôn ngữ địa phương, bằng ánh mắt chân thành, bằng hành động giản dị, ta mới nhận ra: mọi thứ mình từng biết, bỗng trở nên ngô nghê đến xa lạ'. Giữa Bản Liền, không có ranh giới giữa người nổi tiếng và người nông dân. Dàn cast - những nghệ sĩ thành phố - trở thành học trò nhỏ bé của vùng đất này. Họ học cách cày ruộng, nấu cơm bếp củi, vào rừng đào măng,… Và qua từng trải nghiệm, họ không chỉ được học cách sinh tồn, mà còn học cách sống chậm, sống thật và sống trọn vẹn.

Và khi ký ức về Bản Liền vừa khép lại, hành trình mới nơi đảo Lý Sơn được hé mở với thanh âm của sóng, vị mặn của nước và vẻ đẹp bao la của biển trời. Mỗi vùng đất mang đến một sắc màu văn hóa riêng biệt, mỗi chuyến đi lại thêm những kỷ niệm khó quên. Mong rằng 'Gia đình Haha' sẽ đến nhiều nơi hơn nữa, để khán giả được cùng trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh đẹp, để sống, để thấm và thêm yêu từng mảnh ghép thân thương trên dải đất hình chữ S này!